Các nghi lễ truyền thống được duy trì thực hiện nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Các nghi thức tế lễ thiêng liêng, thành kính trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân mỗi dịp lễ hội.
Nghi thức tế lễ cổ truyền gồm 3 hình thức tế lễ (tế lão quan gồm các cụ lão nam, tế đồng quan hay gọi là tế nữ quan gồm các tế nữ từ 30 tuổi trở lên, tế hội đồng gồm cả nam và nữ độ tuổi lão quan và đồng quan). Nghi thức tế lễ ở đền Vua Đinh và Vua Lê là lễ tế cổ truyền, có các lễ tế chính: tế cáo, lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ dâng hương, tế tiến phẩm, tế chính, tế cửu khúc, tế tạ.
Lễ Mộc dục hay còn gọi là lễ tắm thần, lễ bao sái tượng vua Đinh, tượng vua Lê và lau Thần vị, nhang án. Lễ được tiến hành ngay sau khi lễ rước nước đã hoàn tất. Thực hiện nghi lễ do lãnh đạo huyện Hoa Lư và lãnh đạo xã Trường Yên thực hiện.
Nghi thức lễ Mộc dục được thực hiện đó là bình nước rước về được đặt trang trọng lên bàn thờ trước chính diện tượng vua Đinh. Vị Chánh tế tế vua, chiêng trống nổi lên ba hồi. Các nghi thức bao sái tượng được thực hiện theo nghi thức truyền thống, nước múc trong bình nước Thần vừa nghinh rước về, hai khăn tay màu vàng sấp nước, vắt khô, lau từ diện (mặt), mão (mũ bình thiên), cảnh (cổ) đến vai, thân tượng và long ngai.
Trong khi diễn ra lễ Mộc dục, ngoài sân rồng tiếp tục múa Lân, múa Rồng, trống phách, thanh la, não bạt vang lừng cho đến khi thực hành xong lễ Mộc dục. Đồng thời, lễ Mộc dục cũng được thực hiện tại Đền vua Lê Đại Hành.
Lễ Tiến phẩm hay còn gọi là lễ Hiến phẩm. Đại diện cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện Hoa Lư, xã Trường Yên dâng tiến lễ phẩm lên đức vua cha và thần linh để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc. Lễ được diễn ra tại sân Rồng đền thờ Vua Đinh và Vua Lê. Thời gian tiến hành sau lễ Mộc dục và lễ dâng hương.
Lễ phẩm tiến Vua có lễ phẩm”tam sinh” trâu, dê, lợn). Lễ phẩm được bày ngoài hương án sân Rồng và dâng tiến vào cung chính tẩm đền Vua. Nghi thức tế lễ là tế cung đình. Bài chúc văn lễ Tiến phẩm cũng là bài chúc văn chính lễ (do đoàn tế chính lễ thực hiện sau Lễ dâng hương).
Lễ rước kiệu: Sự nghiệp đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất giang sơn của Đinh Tiên Hoàng Đế là sự nghiệp chung của các tướng lĩnh và của cả dân tộc. Nhiều nơi trong địa bàn tỉnh và cả nước có đền thờ đức Vua Đinh và các tướng lĩnh triều Đinh – Tiền Lê. Vì vậy, mỗi kỳ lễ hội, các đình, đền thờ các tướng lĩnh hai triều đại này đã rước kiệu về chầu đức vua ở đền vua Đinh và vua Lê ở Trường Yên.
Lễ rước kiệu cũng làm tăng thêm tính chất xã hội hóa các hoạt động lễ hội với tư tưởng chỉ đạo “Dân làm, dân xem và dân vui lễ hội”. Lễ hội năm 2023 có khoảng 11 kiệu của các đền, phủ tham gia.
Tế cửu khúc là nghi lễ tế Vua có 9 khúc ca/hát ca ngợi công đức Hoàng đế. Cách hát được trình bày theo nghệ thuật diễn xướng dân gian “vừa tế vừa ca” Mỗi khúc ca có thể do một người hát và một, hai người múa phụ họa. Tế cửu khúc gồm 1 lần thượng hương, 3 lần dâng rượu trước tượng thờ Vua Đinh, 3 lần dâng rượu tế các vị phối hưởng, 1 lần dâng trà.
Hình thức tế lễ có thể tế lão quan (tất cả là nam trung niên trở lên); đồng quan (nữ quan) hoặc tế hội đồng (hỗn hợp cả lão quan và nữ quan). Tế đêm mùng 9/3 âm lịch thì nhất thiết là tế hội đồng, còn các ngày đêm sau thì tùy nghi.
Nguồn: baoninhbinh.org.vn