Nơi di sản hội tụ
Sử sách còn lưu lại, thị thành Hoa Lư tuy chỉ có hơn 4 thập kỷ xây dựng nhưng đã khẳng định được diện mạo một đô thị với số lượng lớn dân cư phi nông nghiệp và chuyển hẳn sang sản xuất, trao đổi hàng hóa, hoạt động dịch vụ, phục vụ cho vua quan, tăng lữ, nha lại, quân lính trong thành. Các tuyến giao thông, giao thương thủy bộ được mở mang và khai thác đồng bộ, hiệu quả. Các khu cư trú của cư dân phi nông nghiệp tuy còn tạm bợ nhưng đã xuất hiện đồng loạt dọc theo các dòng sông, bến bãi. Cơ sở hạ tầng đô thị, cảng thị, chợ búa, cảng sông, cảng biển… ngày một dầy thêm, Thuyền buôn Trung Quốc, Chămpa và một số nước trong khu vực Đông Nam Á vào ra tấp nập. Hoa Lư thực sự trở thành đô thị buôn bán trao đổi trong tiểu vùng, trong toàn vùng châu Giao, châu Ái, trong nước và với các nước trong khu vực khá sôi động, đánh dấu một bước phát triển chưa từng có của đô thị Việt Nam trung đại ở những thập kỷ cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI.
Từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, cố GS sử học Trần Quốc Vượng chỉ rõ, đây là vùng đất “quá độ”, “bản lề” và “liền khoảnh”, mà Đinh Tiên Hoàng sớm nhận ra và khai thác triệt để những lợi thế trời cho này để xây dựng Kinh đô đúng tầm của một Nhà nước quân chủ tập trung đang trên bước đường khẳng định vị thế của mình. Đô thị Hoa Lư vì thế đã dần dần trở thành đô thị trung đại sớm nhất và tiêu biểu nhất của quốc gia Đại Việt khi đó.
Trong suốt mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc, vùng đất Ninh Bình luôn là địa bàn chiến lược, ghi dấu những cuộc trường chinh vào Nam ra Bắc để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Hiện nay, dấu tích của Cố Đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư là một trong bốn vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An với hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014, là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Theo GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Giá trị bản sắc của đô thị ấy vẫn tiếp tục được phát huy một khi chính quyền và người dân vẫn còn quan tâm và có điều kiện khai thác lợi thế giao thủy, giao thương, giao rừng, giao biển này. Và thực tế đã chứng minh hơn 30 năm qua, Ninh Bình đã thành công và có bước phát triển rất ấn tượng. Những giá trị nổi bật của đô thành-đế đô đầu tiên của quốc gia Đại Việt, cũng như của đô thị-cảng thị trung đại tựa núi, nhìn sông, mở ra Biển Đông đầu tiên ở khu vực phía Bắc, đã tạo lập các giá trị bản sắc đặc trưng nhất của không gian lịch sử-văn hóa Kinh đô Hoa Lư, làm nguồn lực chủ yếu, động lực mạnh mẽ và lợi thế căn bản cho Ninh Bình có thể nâng tầm thành đô thị di sản văn minh, hiện đại-thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho cực tăng trưởng ở phía Nam châu thổ sông Hồng.
Tạo động lực phát triển
Không chỉ mật tập các giá trị vô giá về văn hóa, ở quy mô của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Tràng An còn hội tụ cảnh quan di sản thiên niên kỷ bao gồm: Quần thể sông-núi, địa hình, địa mạo và các di sản thiên nhiên của địa điểm; không gian thành cổ và các định cư truyền thống nằm trong lõi di sản, lịch sử và tiếp nối; cơ sở hạ tầng của di sản; không gian mở và cảnh quan; sử dụng đất và phân khu chức năng; các mối quan hệ và tất cả các yếu tố khác làm nên cấu trúc cảnh quan di sản thiên niên kỷ. Bên cạnh đó là các hoạt động và giá trị văn hóa-xã hội, các hoạt động kinh tế và các khía cạnh vô hình của di sản liên quan đến sự đa dạng và bản sắc.
Theo PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội: Cảnh quan đó đủ sức làm nền cho phát triển Đô thị lịch sử tích hợp các mục tiêu bảo tồn di sản thế giới hỗn hợp và di sản định cư thiên niên kỷ tại Ninh Bình, phát triển đặc thù mà chỉ duy nhất Ninh Bình sở hữu, song hành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội như một cách tiếp cận bền vững. Cách tiếp cận này coi Di sản là nền tảng hấp dẫn du lịch, nhân lực chất lượng cao cho đổi mới sáng tạo, công nghiệp văn hóa và kinh tế trí thức-như một nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững đô thị tại đây. Điều này cho phép ra đời các công cụ quản lý đột phá, thúc đẩy kết hợp hài hòa các can thiệp hiện đại với khu vực di sản này.
Đề xuất về mô hình phát triển không gian đô thị di sản cho tỉnh Ninh Bình, TS.KTS. Nguyễn Quốc Tuân, Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Phương Đông cho rằng: Ninh Bình nên chú trọng phát triển đô thị theo hướng xây dựng các thành phố sáng tạo nghệ thuật, đô thị du lịch gắn với di sản văn hóa, với tầm nhìn của về một “Đô thị thiên niên kỷ”, gắn với di sản nghìn năm mà thiên nhiên và ông cha ta đã trao truyền lại. Việc thiết kế và lựa chọn các mô hình phát triển, xây dựng đô thị thân thiện, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp văn hóa bản địa, bảo tồn, gìn giữ bền vững di sản,phát huy nền kinh tế đặc sắc gắn với năng lực phát triểnvăn hóa sáng tạo… là hướng đi thích hợp, để những giá trị tốt đẹp đã có sẽ được lưu truyền đến các thế hệ mai sau.
Mặc dù, thế giới chưa có định nghĩa nào thật sự rõ ràng về đô thị di sản, song theo GS. Hoàng Đạo Kính, người đầu tiên ở Việt Nam đưa ra khái niệm hoàn chỉnh đó là: “Đô thị di sản là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên, là xuất phát điểm chi phối tất thảy”. Theo định nghĩa này, đô thị di sản khác hoàn toàn với đô thị có sở hữu di sản, bởi nó nhấn mạnh tính chỉnh thể của đô thị, trong đó yếu tố vật thể và phi vật thể nằm trong mối quan hệ không thể tách rời, hay có thể hiểu để xem xét một đô thị có đủ yếu tố là đô thị di sản thì chúng ta phải xét đến hai yếu tố văn hóa và thiên nhiên trong một chỉnh thể tạo nên đô thị.
Tại Quyết định số 1266/QĐTTg ngày 28/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong tổng diện tích trên 21.000 ha đô thị Ninh Bình thì diện tích Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An chiếm khoảng 12.000ha và vùng lõi di sản là 6.000ha; trong đó có Cố đô Hoa Lư nghìn năm lịch sử là Kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền ở Việt Nam. Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh Ninh Bình thì thành phố Ninh Bình hiện nay sẽ sáp nhập với huyện Hoa Lư để trở thành thành phố Hoa Lư, nghĩa là gần như toàn bộ phạm vi quy hoạch chung đô thị Ninh Bình sẽ trở thành thành phố Hoa Lư tương lai, và thành phố Hoa Lư sẽ có gần 30% diện tích là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Để triển khai các quan điểm, định hướng của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng; thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, về quản lý và phát triển đô thị ở các địa phương có di sản Cố đô, sở hữu danh hiệu di sản thế giới của tổ chức UNESCO; cùng với xu thế phát triển đô thị trên thế giới là hướng đến mô hình đô thị có hàm lượng văn hóa cao, có đời sống đô thị giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, có nhịp sống hợp lý, làm giàu bằng kinh tế trí thức; dựa trên tiềm năng về thiên nhiên-văn hóa-lịch sử của mình, Ninh Bình đề ra mục tiêu xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Ninh Bình cần có các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy giá trị nổi bật, riêng có về văn hóa-lịch sử của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, phấn đấu xây dựng tỉnh Ninh Bình cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là Đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.